Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
105727
 I- PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG- AN NINH

1- Về lĩnh vực kinh tế

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2020 tỷ trọng cơ cấu ngành lâm - nông - thủy sản chiếm 80%; công nghiệp - xây dựng chiếm 5%; dịch vụ - thương mại chiếm 15%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 32 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so với năm 2015 (14 triệu đồng); tăng 10 triệu đồng so mục tiêu đại hội (mục tiêu là 22 triệu đồng).

1.1- Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

- Sản xuất nông nghiệp: Diện tích gieo trồng hàng năm tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong đó: Tổng giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt 100 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân năm 2020 là 900 tấn, tăng 414,2 tấn so với mục tiêu đại hội (mục tiêu 485,08 tấn); Giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 56 triệu đồng, vượt mục tiêu NQ Đại hội 16 triệu đồng (NQ 40 triệu đồng).

- Lĩnh vực chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm phát triển duy trì ổn định; Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dần theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng trên một đơn vị sản phẩm. Số lượng, chất lượng tổng đàn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn duy trì.Trong đó đàn trâu, bò 1.226 con, không tăng so với chỉ tiêu đề ra; Đàn dê 69 con, Đàn lợn 632 con; đàn gia cầm 15.867 con. Tổng đàn gia súc, gia cầm tuy được cấp trên hỗ trợ đầu tư các Chương trình 135, 30a, nông thôn mới những chỉ duy trì ở mức ổn định không tăng so với cùng kỳ một phần do ảnh hưởng của các loại dịch bệnh; nhân dân phần lớn chuyển đổi từ chăn nuôi sang chăm sóc bảo vệ rừng.

Nuôi trồng thủy sản được nhân dân chú trọng thực hiện và chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa, diện tích nuôi trồng được mở rộng, phân bố đồng đều 8/8 bản với tổng diện tích 170,2 ha, tập trung nuôi chủ yếu cá trắm cỏ, trôi, rô phi; sản lượng khai thác hàng năm ước đạt trên 2,5 tấn.

 - Lâm nghiệp gắn với việc bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng duy trì ổn định: Công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng luôn được quan tâm. Xác định phát triển rừng kết hợp với chăn nuôi để thực hiện thành công chương trình xoá đói, giảm nghèo nhanh bền vững và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sản lượng nan thanh được khai thác, tiêu thụ trong 5 năm qua ước đat: 4.975 tấn, luồng 688.000 cây. Công tác PCCCR được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, không có vụ cháy rừng nào xảy ra, duy trì tỉ lệ độ che phủ rừng 91,5%.

Trong 5 năm qua, công tác trồng rừng, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, chăm sóc và quản lý rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn tiếp tục chú trọng. Tiếp tục thực hiện chia tách nhóm hộ, giao đất giao rừng cho người dân, đảm bảo người dân có diện tích đất sản xuất; khuyến khích trồng các cây gỗ lớn, gỗ nguyên liệu và cây có giá trị kinh tế cao như: lát, xoan, quế, nứa, vầu. Chăm sóc và bảo vệ tốt hơn 1,3 nghìn ha rừng nứa, vầu đã được cấp chứng chỉ FSC.

1.2. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, tài nguyên môi trường.

Công tác quản lý tài nguyên, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, an toàn và tiết kiệm. Là địa bàn chủ yếu tài nguyên là rừng nứa, vầu, luồng, công tác quản lý bảo vệ, an ninh rừng được tăng cường, hoạt động khai thác cát, sỏi được quản lý; công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt được chú trọng, toàn xã đã có nhiều lò đốt rác mini trong cộng đồng các thôn bản nhằm xử lý tại chỗ ở các bản; công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm, nhất là đối với các bếp ăn tập thể của các nhà trường, các hộ gia đình kinh doanh hàng ăn, uống. Hoàn thành việc cấp đổi Giấy chứng nhận QSD đất nông nghiệp, đang thực hiện việc cấp Giấy CNQSD đất lâm nghiệp theo kế hoạch; tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất ở của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để cấp đổi, cấp lại giấy CNQSD đất ở theo quy định. Công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm, kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư triển khai dự án.

1.3. Các ngành thương mại- dịch vụ.

Các ngành dịch vụ thương mại - xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá; Dịch vụ thương mại chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập của các hộ gia đình từ khai thác chế biến lâm sản và dịch vụ thương mại bán lẻ, trung chuyển tiêu thụ nông sản, lâm sản tăng đáng kể.

Hoạt động ủy thác cho vay ngân hàng chính sách huyện tiếp tục được quan tâm, hiện tại có 4 tổ ủy thác với tổng số dư nợ dự báo đến năm 2020 là 21 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã.

Công tác phát triển doanh nghiệp được chỉ đạo nhưng do điều kiện không thuận lợi về địa hình và các yếu tố bất lợi khác như giao thông, điện nên đến nay toàn xã duy trì 02 doanh nghiệp (1 doanh nghiệp chế biến tăm mành; 01 doanh nghiệp xây dựng). và 35 hộ kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa.

1.4. Công tác thu ngân sách trên địa bàn.

Công tác thu ngân sách địa bàn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt chỉ tiêu huyện giao. Tổng thu NSNN giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 45.494 triệu đồng, bình quân thu NSNN hàng năm đạt trên 9 tỷ đồng, đạt dự toán giao. Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn ước đạ 43.406 triệu đồng. Công tác chi ngân sách đã bám sát dự toán được giao, công tác kiểm soát chi được tăng cường, đảm bảo đúng mục đích, chế độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện. Tổng huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2019 do xã làm chủ đầu tư ước đạt 29.820 triệu đồng, đầu tư cho 17 công trình (giao thông 3 công trình; văn hóa 7 công trình; y tế 01 công trình; giáo dục 01 công trình; nông nghiệp và nước sinh hoạt 5 công trình), trong đó: chương trình NTM 14.320 triệu đồng; Chương trình 135 của Chính phủ 3.710 triệu đồng; chương trình kiên cố hóa (vốn TPCP) 7 tỷ đồng; vốn duy tu, bảo dưỡng 156 triệu đồng; chương trình vốn khác 4.630 triệu đồng.

1.5. Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã gặt hái được những thành quả mang tính đột phá trên cả phương diện chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và sự đồng thuận vào cuộc của nhân dân, từ đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Dự báo đến năm 2020 có 6/8 bản về đích nông thôn mới vượt 5 bản (NQ ĐH 1 bản); xã đạt 14/19 tiêu chí, bình quân bản đạt 12/14 tiêu chí. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới có những nhân tố, cách làm điển hình như: Tổ chức di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư đảm bảo môi trường; xây dựng cơ chế 3 bên cùng tham gia (nhà nước hỗ trợ xi măng - dân quân, lực lượng vụ trang, hội viên đoàn thể hỗ trợ nhân công - nhân dân tham gia đóng góp vật liệu, ngày công), tỷ lệ đường làng, ngõ xóm nội thôn được cứng hóa là 70%; Phong trào xây nhà vệ sinh tự hoại đã lan tỏa trong mỗi gia đình, đến năm 2020, ước đạt 70%; các phong trào “thắp sáng đường quê”, “Sáng- xanh-sạch-đẹp”, được nhân dân hưởng ứng tích cực và đang phát huy hiệu quả, nhân rộng.

2- Lĩnh vực văn hoá - xã hội.

2.2- Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao được triển khai sâu rộng và thường xuyên đến cộng đồng dân cư. Trong đó, nổi bật là các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai kịp thời dưới nhiều hình thức thích hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tham gia đầy đủ các ngày lễ, ngày hội do cấp trên tổ chức như lễ hội Mường Xia; sự kiện 20 năm thành lập huyện; hội khỏe Phù Đổng. Trên tinh thần mục tiêu Nghị định 122/NĐ-CP, dước đến năm 2020 có 7/8 bản được công nhận danh hiệu văn hóa, có 3 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa dự kiến đến năm 2020 đạt 75%, tăng 3% so với năm 2015; bản có nhà văn hóa là 100%.

Hệ thống phát thanh truyền hình luôn được quan tâm, đầu tư, lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây 7/8 bản tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thông tin tuyên truyền. Tỷ lệ dân số được phủ sóng phát thanh đạt 87,5%, tỷ lệ hộ được nghe đài tiếng nói Việt Nam đạt 100%, tỷ lệ dân số được phủ sóng truyền hình đạt 97%.

2.3- Giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, tăng thứ bậc cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Cuối năm 2019, giáo dục có sự chuyển biến tích cực chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên, giáo dục mũi nhọn xếp thư 3 toàn huyện bậc trung học cơ sở; bậc tiểu học xếp hạng 5/13 toàn huyện. Việc dồn khu, dồn lớp, xóa bỏ các điểm trường lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong những năm vừa qua, đến nay đã dồn ghép và giảm được gần 8 điểm trường lẻ ở hai bậc học (mầm non và tiểu học), không còn các lớp treo, lớp ghép góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Giữ vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục được quan tâm.

2.4- Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm, chất lượng ngày càng được cải thiện. Trạm y tế xã được huyện Đông Sơn hỗ trợ xây dựng mới khang trang, trang thiết bị y tế được nhà nước hỗ trợ đầu tư, năm 2018 trạm y tế xã được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 100% chỉ tiêu NQ Đại hội. Công tác khám và điều trị ban đầu cho bệnh nhân trong xã được quan tâm hiệu quả; làm tốt chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ trẻ em, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đạt 100%. Đặc biệt hàng năm, ngoài việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong xã, trạm y tế còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế khám, chữa cho hàng trăm bệnh nhân nước CHDCND Lào.

2.5- Công tác lao động, việc làm và giảm nghèo có những bước chuyển biến mạnh mẽ; các chính sách người có công, an sinh xã hội luôn được quan tâm kịp thời, đúng chế độ. Đời sống nhân dân được tiếp tục cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm xuống còn 9,7%, cận nghèo 45,65%, Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh vào năm 2020 đạt 85%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên tổng dân số đạt 95%. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ; giải quyết các đối tượng hưởng chính sách, đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng quy định hiện hành.

3- Quốc phòng - an ninh.

3.1- Công tác quốc phòng được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc; duy trì, thực hiện nghiêm chế độ trực SSCĐ, chủ động nắm bắt tình hình, không để xảy ra bị động bất ngờ. Xây dựng, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, triển khai thực hiện có chất lượng kế hoạch quân sự, quốc phòng; xây dựng, quản lý tốt lực lượng DQTV, DBĐV đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hoàn thành chỉ tiêu giao quân và công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức QP- AN cho các đối tượng hàng năm. Tổ chức, tham gia có chất lượng các hội thi, hội thao ở cấp huyện, tỉnh; đảm bảo tốt công tác hậu cần, kỹ thuật và thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội.

3.2- Công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Thanh nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Qua đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; phát hiện, giải quyết kịp thời, hiệu quả tình hình, không để xảy ra điểm nóng và các vụ việc nổi cộm, phức tạp: Tỷ lệ khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự năm 2020 đạt 80%, chỉ tiêu NQ Đại hội là 77,7%.

3.3- Công tác đối ngoại nhân dân được quan tâm, đặc biệt giữa cư dân hai bên biên giới. Tam Thanh là cửa ngõ giao thương với nước bạn Lào với tổng chiều dài 18 km đường biên giới. Trong nhiệm kỳ, Đảng, chính quyền luôn quan tâm công tác đối ngoại hằng năm tổ chức giao ban để nắm tình hình giữa hai bên biên giới; tổ chức các bản biên giới ký kết nghĩa giữa hai bản giáp biên với nhau.

 4- Kết quả thực hiện 2 Chương trình trọng tâm.

Nghị quyết đại hội VI đã ban hành 2 Chương trình trọng tâm đó là: Chương trình xây dựng và phát triển nông thôn mới: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Để cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả, Ban thường vụ, Ban chấp hành đảng bộ xã đã bám sát, xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của huyện. Kết quả được đánh giá như sau:

- Chương trình 1: Chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình hành động số 19-CTr/HU, ngày 29 tháng 7 năm 2016 về xây dựng nông thôn mới huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016 – 2020. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa đến từng hộ gia đình. Các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tích cực, các phong trào được triển khai đồng bộ, các thôn bản chủ động tham gia, các nguồn lực được huy động. Đến năm 2020, dự kiến 6/8 bản đạt chuẩn NTM, vượt xa so với mục tiêu trong NQĐH (1 bản); xã đạt 14/19 tiêu chí, bình quân bản đạt 12/14 tiêu chí. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.

- Chương trình 2: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Công tác giảm nghèo được áp dụng theo mô hình giảm nghèo đa chiều; tác động trực tiếp đến từng hộ theo nguyên nhân làm cơ sở cho các biện pháp tác động phù hợp, giúp hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Qua sơ kết, đánh giá 2 Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 29/7/2016 của BCH Đảng bộ huyện về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số07-NQ/HU, ngày 04/4/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá) được nhân dân đón nhận tích cực và tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các thôn bản. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm sâu (năm 2015 là 25,56%; năm 2016 là 39,11%; năm 2017 là 33,04%; năm 2018 là: 26,75%; năm 2019: 19.05%; năm 2020 giảm xuống còn 9,7%).

II- CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

1- Công tác xây dựng Đảng.

1.1- Công tác chính trị, tư tưởng có sự đổi mới cả về nội dung, phương pháp, hình thức tiến hành và mang lại hiệu quả thiết thực.

Đảng uỷ và các chi uỷ thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đã tổ chức quán triệt, triển khai, học tập đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ cho cán bộ đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ban chấp hành Đảng bộ xã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết chuyên đề của huyện mang lại hiệu quả thiết thực tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên như nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 29/7/2016 của BCH Đảng bộ huyện về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Quan Sơn đến năm 2020 theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng”; Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 29/7/2016 của BCH Đảng bộ huyện về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Quan Sơn giai đoạn 2016 – 2020”; Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU ngày 04/4/2017 của BCH Đảng bộ huyện về “Tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tư duy tập quán, canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân; phát huy bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá”gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị,(khóa XII) Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 18/10/2016 của Ban thường vụ tỉnh ủy; Chỉ thị số 03- CT/HU, ngày 21/7/2016 của Ban thường vụ Huyện ủy, về tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; chấn chỉnh tư tưởng, tác phong lề lối công tác.

1.2- Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

 Đảng ủy đã ban hành Kế hoạch số 136-KH/ĐU việc học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết Nghị quyết TW 4 (khóa XII) đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ. Kiểm điểm làm rõ ưu điểm, tồn tại hạn chế trong tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cá nhân các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và đảng viên. Trên cơ sở thực tiễn địa phương để xác định phương hướng, nhiệm vụ các giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng. Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã thẳng thắn nêu ra những thuận lợi, khó khăn, thách thức, đặc biệt tại hội nghị kiểm điểm công tác cuối năm của Ban Chấp hành Đảng bộ qua đó đã chỉ ra những hạn chế khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể BCH, BTV và cá nhân lãnh đạo chủ chốt để khắc phục, sửa chữa sau kiểm điểm. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết BCH Đảng bộ gắn trọng tâm với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục theo chuyên đề từng năm nên Đảng uỷ xã đã tích cực chỉ đạo các tổ chức, các chi bộ trực thuộc triển khai một cách nghiêm túc, có hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng.

1.3- Công tác tổ chức, sinh hoạt đảng được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, có nhiều đổi mới, đạt kết quả khá toàn diện.

Công tác xây dựng hệ thống tổ chức Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt từ khi thực hiện Quyết định số 1670- QĐ/HU ngày 08/8/2018 của Ban Thường vụ huyện ủy Quan Sơn về phân công cấp ủy viên cấp trên và cán bộ huyện dự sinh hoạt với chi bộ bản, khu phố.

Hằng năm số chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85 %, không có chi vbộ yếu kém, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên là 92,4%. Công tác phát triển Đảng và đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luôn được chú trọng số lượng đi đôi với chất lượng. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 51 đảng viên, giới thiệu 61 quần chúng ưu tú tham gia các lớp cảm tình đảng, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ hiện tại là 316 đồng chí. Đội ngũ cán bộ, công chức được chuẩn hóa cả về số lượng, chất lượng; cán bộ chuyên trách và công chức được bố trí, sắp xếp theo chuyên môn và sở trường, gắn với thực hiện tốt mô hình 3+1. Tổ chức thực hiện quy hoạch, bầu cử các chức danh đoàn thể, luân chuyển công chức đúng theo quy định. Trong nhiệm kỳ đã giới thiệu 6 đồng chí đi học đại học; 02 đồng chí học lớp TCLL tại trường chính trị tỉnh; 7 đồng chí tham gia học lớp TCLL tại huyện; cử 12 đồng chí tham gia lớp chuyên viên và nhiều các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn khác do cấp trên tổ chức.

1.4- Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng, kỷ luật, kỷ cương hành chính được chấn chỉnh, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành của chính quyền.

Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Quy định 30-QĐ/TW; Quy định 102-QĐ/TW; Quy định 109-QĐ/TW; Trong đó tập trung vào công tác xây dựng Đảng và các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực. Trong nhiệm kỳ đã tiến hành kiểm tra 15 lượt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra 01 đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật; giải quyết 3 đơn khiếu nại, kiến nghị của đảng viên và quần chúng nhân dân cùng với cấp trên tiến hành 06 cuộc giám sát về thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên. Trong nhiệm kỳ đã xử lý kỷ luật 4 đảng viên, trong đó 1 đảng viên bị khai trừ ra khỏi đảng do vi phạm pháp luật, 03 đảng viên bị khiển trách do vi phạm điều lệ Đảng.

1.5- Hoạt động của công tác dân vận. Công tác dân vận ngày càng được đổi mới về nội dung và phương pháp. Phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo lòng tin, gắn bó trong các tầng lớp nhân dân đối với Đảng. Xây dựng hệ thống chính quyền ở cơ sở, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/06/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng(Khóa XI) về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” từng bước phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền cán bộ, đảng viên từ xã xuống đến bản.

1.6- Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được tập trung chỉ đạo. Ban chấp hành Đảng bộ xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí theo quy định, thực hiện kê khai tài sản đối với cán bộ, đặc biệt cán bộ chủ chốt theo quy định và chế độ sử dụng kinh phí, tài sản công. Xây dựng và thực hiện quy tắc chuẩn mực ứng xử, của cán bộ, đảng viên trong thực hành công vụ, xây dựng quy chế chỉ tiêu nội bộ, sử dụng tiết kiệm có hiêu quả ngân sách nhà nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được chú trọng. Qua 5 năm, đã tổ chức được 9 đợt tuyên truyền dưới nhiều hình thức phù hợp; có 31 đơn kiến nghị, thắc mắc và đề xuất, kết quả giải quyết đơn thư đạt 100%.

2. Hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội.

2.1- Hoạt động của Hội đồng nhân dân: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, triển khai các hoạt động giám sát theo kế hoạch. Hội đồng nhân dân xã tổ chức thành công các kỳ họp HĐND xã khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021, hội nghị tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND huyện khóa V, nhiệm kỳ 2016-2021.

2.2- Hoạt động của Ủy ban nhân dân: Tập trung, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác thu ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ chính sách an sinh xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; theo dõi, nắm chắc tình hình mưa lũ, chỉ đạo phòng chống, khắc phục kịp thời thiệt hại do mưa lũ gây ra; thường xuyên rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ đầu nhiệm kỳ để tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu đề ra.

3- Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội có sự đổi mới, thiết thực hơn.

Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động thành viên, đoàn viên, hội viên tham gia các nhiệm vụ chính trị - xã hội, có nhiều hoạt động thiết thực tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ quan, bản xanh, sạch đẹp, an toàn về an ninh trật tự; tích cực phối hợp vận động cá nhân, tổ chức khắc khục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định đời sống nhân dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, hội viên, tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của thành viên, hội viên và nhân dân. Đoàn thanh niên; cựu chiến binh, công đoàn, hội nông dân, MTTQ đã tổ chức thành công các kỳ đại hội.